– Tết nhứt đến nơi rồi, thím à.
– Chị đã chuẩn bị gì chưa?
Nghe mẹ và thím Bốn nói chuyện, tôi thấy háo hức lắm. Với tôi, những cái tết ngày thơ ở quê là những dịp vui nhất trong năm.
Càng gần ngày Tết, không khí quê tôi càng rộn ràng hẳn lên. Trẻ con hí hửng, nôn nao; người lớn thì tất bật lo toan, sắm sửa. Ba tôi đi giãy cỏ mả, rồi trang trí bàn thờ tổ tiên, sửa lại cái mấy cái ghế dựa gỗ bị lung lay, chẻ lạt để cột bánh tét. Mẹ tôi dọn dẹp nếp núc, muối cải, làm dưa món, củ kiệu, hong lá chuối gói bánh…
Nhắc tới bánh trái dành cho những ngày đầu năm mới, tôi càng thương mẹ biết bao! Đâu chỉ có bánh tét, bánh in, bánh nổ… mẹ còn làm cả bánh khô mè. Tôi đặc biệt quý bánh khô mè của mẹ, bởi thứ bánh bảy lửa ấy làm công phu lắm. Hèn chi ở quê tôi, ngoài tên bánh khô, bánh khô mè, nó còn có tên bánh khô khổ (khảo). Nghĩ cũng phải, loại bánh đó chắc chỉ có người chịu thương, chịu khó như mẹ mới làm được!
Tôi nhớ trước khi bắt tay vào làm bánh khô, mẹ chuẩn bị đầy đủ: gạo, đường tán vàng, mè, gừng… Bánh của mẹ làm bằng gạo chứ không phải nếp. Mẹ bảo bánh làm bằng gạo sẽ giòn và xốp hơn nếp. Mẹ chọn gạo nguyên trên sàng để làm bánh, nhờ vậy khi rang, gạo sẽ khô đều, không bị khét. Mẹ vo gạo thật sạch, để ráo, rang khô. Rồi mẹ cho gạo rang vào cối xay. Sáng sớm, mẹ lót giấy trong cái nia nhỏ, trải bột gạo rang ra rồi để trên giàn mướp phơi sương. Mẹ nói làm như thế bánh sẽ dẻo. Cũng nhờ có hơi sương, bột ngã tí màu vàng, bánh sẽ đẹp hơn.
Sau khi lấy sương, mẹ để bột gạo vào thau, đổ từ từ ít nước âm ấm rồi trộn, nhào cho bột ướt đều, sệt lại. Tiếp theo, mẹ đặt nó trên miếng lá chuối có thoa chút dầu phộng cho khỏi dính và để vào nồi hấp. Bột chín, mẹ cho vào cái khay hình chữ nhật, cán đều ra một lớp mỏng rồi dùng dao cắt ngang, dọc thành từng miếng hình vuông, khá đều đặn. Xếp bánh lên cái vỉ nướng, đặt trên bếp than cháy vừa phải, mẹ trở từ từ cho bánh khô từ ngoài vào trong. Bánh đã nướng khô, mẹ để cho nguội rồi lại nướng tiếp lần nữa. Mẹ bảo làm như thế bánh mới giòn. Công đoạn cuối, mẹ nhanh tay nhúng từng miếng bánh vào nồi nước đường đã thắng dẻo, thơm mùi gừng, rồi nhúng qua mè rang vàng. Mỗi lần vậy, mẹ hay cười với tôi: “Mẹ đang tắm và mặc áo tết cho nó đây…”
Khách đến nhà, người lớn hay trẻ nhỏ, đều khoái bánh khô mè của mẹ. Không ngọt nhiều, cũng không dẻ cứng như bánh in sấy kỹ, bánh khô có độ ngọt vừa phải, giòn, xốp, thêm chút bùi, béo hòa với những sợi đường dẻo có vị the của gừng. Thấy mọi người khen bánh của mẹ, tôi tự hào lắm nên mỗi lần mẹ làm bánh khô (dịp tết và ngày giỗ ông bà), tôi vui lắm. Sau này biết nghĩ, thương mẹ thức khuya dậy sớm để có được món bánh ngon, tôi bàn lùi: “Làm bánh khô cực quá mẹ, hay tết năm nay…”. Chưa kịp dứt lời, mẹ đã đoán được ý tôi:
– Tết mà con, mỗi năm có một lần. Mẹ làm bánh, trước cúng ông bà, sau mời bà con, khách khứa.
Vậy là mỗi năm, vào dịp Tết hay giỗ quảy, anh em tôi lại được thưởng thức món bánh khô “làm khổ mẹ” ấy.
Bánh khô mè xứ Quảng Đà giờ có mặt ở nhiều nơi trên thị trường. Cách thức làm bánh giờ đã hiện đại, không cực nhọc như cách làm thủ công của mẹ.
Ăn miếng bánh khô mè ngày nay, mùi thơm thoảng như miếng bánh mẹ làm xưa đã không còn. Bâng khuâng nhớ mẹ…
Nguồn: Tạp chí điện tử Nông thôn Việt